“Giải mã” hiện tượng trẻ ăn nhiều mà mãi không tăng cân
Đăng ngày: 15/03/2022
Chia sẻ:
Trẻ biếng ăn, lười ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, nhẹ cân là chuyện thường. Nhưng có rất nhiều trẻ mặc dù ăn tốt, ăn nhiều nhưng cân nặng không tăng, thậm chí còn rơi vào tình trạng thấp còi. Đây cũng là điều khiến không ít bậc cha mẹ phải đau đầu.
Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Hậu quả sẽ ra sao khi trẻ ăn nhiều mà không tăng cân? Làm thế nào để khắc phục?… Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
“Bắt bệnh” trẻ còi dù ăn rất tốt
Vì sao trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân
Ở mỗi giai đoạn phát triển trẻ thường có chuẩn chiều cao, cân nặng tương ứng, tuy nhiên, có những trẻ không đạt được chuẩn này. Việc cân nặng của trẻ không đạt được mức trung bình theo độ tuổi được gọi là hiện tượng không phát triển. Đây không phải là một bệnh lý mà nó là dấu hiệu cho biết bé yêu của bạn đang không nhận đủ calo để phát triển một cách lành mạnh.
Song hành với việc không tăng cân, trẻ sẽ gặp vấn đề về chiều cao. Theo đó, chuẩn chiều cao và cân nặng của trẻ sẽ không đạt được với mức bình thường theo độ tuổi. Kèm theo những dấu hiệu khác biệt về hình dáng, trẻ không tăng cân sẽ nhận thức chậm hơn, biết nói và biết đi muộn hơn so với những trẻ khác (1).
1001… lý do ăn nhiều mà không tăng cân
Nếu con bạn ăn uống đủ bữa với lượng thức ăn không hề ít mỗi ngày nhưng vẫn không tăng cân thì có thể do những nguyên nhân sau:
Bữa ăn chỉ đủ “lượng” chưa đủ “chất”
Chất và lượng luôn là yêu cầu không thể tách rời trong một bữa ăn dành cho trẻ. Một trẻ dù có ăn nhiều nhưng chất lượng các bữa ăn không đầy đủ cũng có thể gây ra thiếu hụt các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng cần thiết cho sự phát triển cân bằng của trẻ.
Nguyên nhân của sự thiếu hụt này có thể là do trẻ được cho ăn không đúng cách hoặc cho ăn “sai thực phẩm”. Hầu hết các bé đều thích ăn bánh kẹo, snack, nước ngọt nhưng đâu đều là các thực phẩm có ít chất dinh dưỡng.
Khi các mẹ cho con thường xuyên ăn các thức phẩm trên thì vô tình đã khiến trẻ thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết khác như: vitamin, khoáng chất, chất béo, carbohydrate…Điều này khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, còi cọc. Mặt khác, một số trẻ vì ăn quá nhiều các thực phẩm này mà có nguy cơ bị thừa cân béo phì do hấp thu quá nhiều đường sucrose có trong các bánh kẹo, đồ ăn vặt.
Không nên thường xuyên cho trẻ ăn các thức ăn nhanh
Đường ruột trẻ có vấn đề
Không chỉ những trẻ biếng ăn mới gặp vấn đề về đường ruột, mà những trẻ ăn nhiều, ăn lành mạnh mà không tăng cân cũng có thể hệ tiêu hoá đang có bất ổn. Các vấn đề về đường ruột thường khiến trẻ khó hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể có trong thức ăn.
Trẻ có vấn đề về đường ruột
Bệnh Celiac: Đây là một chứng rối loạn tự miễn dịch. Khi mắc chứng Celiac, chất gluten (- tên gọi chung của các loại protein có trong gạo, lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác) sẽ phá huỷ các nhung mao trong đường ruột khiến cho hệ tiêu hoá của bé không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng cần thiết. Về lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị, trẻ sẽ rơi vào trạng thái không tăng cân, suy dinh dưỡng (3).
Ký sinh trùng đường ruột: Trẻ không tăng cân có thể do trong đường ruột chứa ký sinh trùng như: giun, sán… Ký sinh trùng đường ruột sẽ sống trong ruột hoặc các bộ phận khác của cơ thể và thường sinh sản. Khi ruột có ký sinh trùng trẻ sẽ dễ gặp các vấn đề về tiêu chảy, co thắt dạ dày, chướng bụng, buồn nôn… Đây là lý do khiến trẻ ăn không ngon hoặc ăn nhưng không tăng cân (4).
Nhiễm trùng đường ruột: Đây cũng là một bệnh lý gây ra hiện tượng chậm tăng cân của trẻ. Khi đường ruột của trẻ bị nhiễm trùng, cơ thể trẻ sẽ phải sử dụng một lượng lớn calo để chống lại ô nhiễm. Lượng calo còn lại không đủ để nuôi dưỡng cơ thể bé khiến bé mệt mỏi, không khỏe và kém phát triển (5).
Rối loạn chuyển hóa: Một trong những vấn đề khác cũng liên quan đến đường ruột là chứng rối loạn chuyển hóa. Trẻ gặp vấn đề này sẽ rơi vào tình trạng sức khỏe yếu, cơ thể khó phân hủy, xử lý thức ăn tạo thành năng lượng cần thiết để nuôi dưỡng các tế bào. Đây cũng là nguyên nhân trẻ thường xuyên nôn, trớ và cảm thấy ăn không ngon (6).
Trẻ “kỵ” một số loại thực phẩm
Đây được gọi là triệu chứng khó dung nạp thực phẩm. Cơ thể của nhiều trẻ khá nhạy cảm với một số loại thực phẩm. Nên khi những thực phẩm này vào cơ thể của trẻ, các chất dinh dưỡng sẽ không được hấp thụ để chuyển hóa. Ví dụ có trẻ không dung nạp protein từ sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa như: sữa tươi, sữa chua, phomai, bơ… lâu dần cơ thể trẻ sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết có trong những loại thực phẩm này (7).
Trẻ có vấn đề về sức khỏe
Tình trạng sức khỏe của trẻ cũng là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp vào việc phát triển chiều cao và cân nặng. Những trẻ có bệnh lý liên quan đến tim mạch, phổi hoặc hệ thống nội tiết… sẽ cần nhiều năng lượng để sử dụng trong việc “đối phó” với bệnh tật và chữa lành cơ thể. Vì vậy, những trẻ này phải được bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn bình thường để tránh tình trạng chậm phát triển hơn so với bình thường (8).
Chế độ ăn lành mạnh sẽ thúc đẩy trẻ tăng cân
Cho trẻ ăn theo chế độ lành mạnh
Để trẻ tăng cân đều đặn, một khẩu phần ăn hợp lý, lành mạnh là điều không thể thiếu. Vì vậy, mẹ hãy xem xét lại chế độ ăn của trẻ hàng ngày xem trẻ đã được ăn uống cân bằng chưa nhé?
Hãy cho trẻ ăn đủ 5 nhóm thực phẩm cần thiết bao gồm: Hoa quả; rau và các loại đậu; ngũ cốc (gồm gạo, bánh mì, mì ống, mì sợi,…); thịt nạc, cá, gia cầm hoặc các thực phẩm thay thế; sữa, sữa chua, phomat và các sản phẩm từ sữa.
Không nên cho trẻ ăn những thức ăn nhanh, những thức ăn có chứa chất béo bão hòa, thêm muối hoặc đường. Đây chính là “thủ phạm” khiến bé thừa cân nhưng thiếu chất hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến cân nặng. Một số loại đồ ăn được khuyến cáo nên hạn chế như: Bánh kẹo, thịt chế biến, xúc xích, đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ, nước ngọt và nước có ga… Đặc biệt, mẹ cũng đừng quên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày (9).
“Bí kíp” giúp trẻ tăng hứng thú với bữa ăn
Nếu trẻ quá khó khăn để tiếp nhận một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đủ chất thì mẹ có thể tham khảo một số “mẹo” kích thích bé ăn ngon sau đây:
Tạo không khí vui vẻ cho bữa ăn: Một bữa ăn vui vẻ sẽ kích thích trẻ ăn ngon miệng. Hãy để cho trẻ tự “xử lý” đĩa thức ăn của mình và đừng sợ trẻ bẩn hay làm đổ thức ăn.
Khởi đầu từng chút một: Trẻ thường rất khó chịu ăn những loại thức ăn mới cho nên hãy khuyến khích con nếm thử để cảm nhận hương vị món ăn. Đừng ép con ăn nhiều ngay từ đầu vì sẽ làm trẻ dễ sợ hãi, gây biếng ăn (10).
Tạo hình đáng yêu cho món ăn: Để những món ăn trở lên thú vị và hấp dẫn với bé, mẹ hãy bỏ công sức một chút để trang trí món ăn thật bắt mắt. Bé sẽ khó từ chối một món ăn ngộ nghĩnh có hình dáng và màu sắc bắt mắt, sinh động. Nếu trẻ không thích một số thực phẩm có thể chế biến chúng linh động “ẩn” trong những món ăn mà bé thích (11).
Tạo hình thú vị cho món ăn của bé
Không xem tivi khi ăn: Đây là thói quen xấu xuất hiện trong rất nhiều gia đình. Khi xem tivi trẻ sẽ tiếp nhận thức ăn một cách thụ động, không cảm nhận được vị ngon của thức ăn. Lâu dần bé sẽ bị phụ thuộc vào tivi, ipad, có nó mới có thể ăn được. Vì vậy, mẹ đừng mở tivi/ ipad trong khi cho bé ăn, ban đầu bé sẽ hợp tác nhưng càng về sau trẻ sẽ bị phụ thuộc, chỉ ăn khi được xem tivi.
Không nên cho trẻ ăn quá lâu: thời gian của một bữa ăn tốt nhất nên dừng lại ở 20 phút. Nếu trẻ chưa ăn hết có thể cất thức ăn đi và cho con ăn thêm vào bữa chính hoặc bữa ăn nhẹ (12).
Như các mẹ đã thấy thì có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, còi cọc. Do đó, mẹ cần xác định trẻ của mình thuộc ở trường hợp nào để có hướng giái quyết phù hợp. Cũng như nắm rõ các nguyên nhân trên phòng tránh và mang cho trẻ sự khởi đầu tốt đẹp nhất.
Nguồn tham khảo:
(1) Failure to Thrive (for Parents) – Nemours KidsHealth
Chăm sóc trẻ chưa bao giờ là dễ dàng vì vậy nhiều mẹ đang truyền tai nhau nuôi con bằng phương pháp easy để giúp mẹ giảm bớt vất vả khi chăm sóc trẻ. Vậy đây là phương pháp gì...
Những năm gần đây dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là mối lo ngại hàng đầu của thế giới. Mặc dù đã nghiên cứu thành công vaccine Covid nhưng trẻ em dưới 5 tuổi đang là nhóm tuổi vẫn chưa được...