Thiếu kẽm ở trẻ em: Dấu hiệu và cách khắc phục mẹ cần biết
Đăng ngày: 22/09/2021
Chia sẻ:
Thiếu kẽm ở trẻ em không phải là hiện tượng xa lạ với các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 6 -12 tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra dấu hiệu trẻ bị thiếu kẽm và những bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau sự thiếu hụt này.
Nội dung bài viết
Vai trò của kẽm đối với sự phát triển của trẻ
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng vô cùng cần thiết với sức khỏe chúng ta, đặc biệt là sự phát triển của trẻ nhỏ. Hơn nữa, kẽm tham gia vào hoạt động của enzym, giúp sự phân chia tế bào phát triển cơ thể.
Vai trò của kẽm đối với trẻ em
Kẽm còn giúp tăng chức năng miễn dịch, điều hòa vị giác, tạo cảm giác ngon miệng, thèm ăn ở trẻ [1]. Chính vì vậy, nếu các cơ quan trong cơ thể trẻ thiếu kẽm sẽ phát sinh các biểu hiện bất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng phát triển bình thường của trẻ.
Những con số đáng ngại về tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em
Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong giai đoạn 2017 – 2020 tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em từ 6 đến 59 tháng tuổi vẫn còn ở mức 58%. Trong đó, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em khu vực miền núi phía Bắc cao nhất chiếm 67,7%, kế tiếp là Tây Nguyên với 66,6%.
Điều đáng ngạc nhiên là kể cả ở khu vực thành phố, tình trạng thiếu kẽm ở trẻ nhỏ vẫn không được cải thiện suốt từ năm 2015 đến năm 2020. Có tới 49,6% trẻ em khu vực thành phố bị thiếu kẽm trong thời gian dài.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nếu không có sự tác động, can thiệp sớm, tình trạng thiếu kẽm ở trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của nhiều thế hệ [2].
Vì sao có hiện tượng thiếu kẽm ở trẻ em?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu kẽm ở trẻ em. Trong đó, thiếu hụt kẽm trong sữa mẹ là nguyên nhân đầu tiên.
Kẽm trong sữa mẹ giảm sau 6 tháng
Sữa mẹ giảm hàm lượng kẽm sau 6 tháng
Sữa mẹ cung cấp đủ kẽm cho 4 đến 6 tháng đầu đời nhưng không còn cung cấp đủ lượng kẽm khuyến nghị cho trẻ từ 7 đến 12 tháng. Trong khi đó, nhu cầu kẽm cho cơ thể của bé lại tăng lên. Điều này dẫn đến trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể sẽ bị thiếu hụt lượng kẽm cần thiết. Vì vậy, sau 6 tháng tuổi trẻ cần được bổ sung thêm kẽm qua các nguồn thức ăn khác ngoài sữa mẹ [3].
Chế độ ăn thiếu kẽm
Tình trạng thiếu kẽm ở trẻ có thể xảy ra nếu như chế độ ăn không hợp lý. Trẻ cần được cung cấp những bữa ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng từ như thịt, cá, trứng, sữa rau, trái cây…
Trong khi đó, thói quen ăn uống của người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường ăn nhiều ngũ cốc (trong cơm, các loại cháo và bột). Điều này đã tạo ra hàm lượng phức hợp axit-phytic kẽm trong ruột cao và ức chế sự hấp thụ kẽm ở đường ruột [4].
Thiếu kẽm ở trẻ em do bệnh lý
Trẻ cũng có thể bị thiếu kẽm nếu như mắc chứng giảm hấp thu hoặc hội chứng kém hấp thu, bệnh gan hoặc thận mãn tính. Trẻ ở những vùng nông thôn, miền núi, có điều kiện sinh hoạt khó khăn, thường xuyên mắc bệnh tiêu chảy cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kẽm [5].
Ngoài ra, một số trẻ bẩm sinh đã mắc bệnh thiếu kẽm. Đây là do vấn đề di truyền hoặc do trẻ bị sinh non có trọng lượng cơ thể thấp, khó hấp thụ chất dinh dưỡng trong quá trình phát triển.
Dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ, mẹ không thể bỏ qua
Tiêu chảy là dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ thường thấy
Có thể phát hiện ra dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ em từ những biểu hiện sau:
Trẻ ăn không ngon, chán ăn, rụng tóc nhiều, tổn thương vùng da, mắt, khứu giác và vị giác kém. Trẻ thường bị rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, ngủ ít…). Đặc biệt là tình trạng tiêu chảy thường xuyên xảy ra, kéo dài và và khó chữa dứt.
Trẻ bị thiếu kẽm cũng thường chậm lớn hơn những trẻ cùng độ tuổi. Ít cân và thấp hơn bình thường. Nếu mẹ thường xuyên quan sát và so sánh sẽ sớm nhận ra dấu hiệu này.
Ngoài ra, dấu hiệu thiếu kẽm của trẻ còn biểu hiện ở các vấn đề về da hay các bệnh nhiễm trùng: phát ban, viêm da, vết thương lâu lành, mệt mỏi, kiệt sức,… [6].
Thiếu hụt kẽm ở trẻ và những bệnh lý tiềm ẩn
Kẽm rất quan trọng để kiểm soát sự phát triển trong các tế bào và mô trên toàn cơ thế. Vì vậy, nếu tình trạng thiếu kẽm không nhanh chóng được khắc phục trẻ sẽ bị chậm lớn, suy dinh dưỡng. Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và cân nặng bình thường ở trẻ.
Tình trạng thiếu kẽm cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não của trẻ. Khi đến độ tuổi đi học, thiếu kẽm sẽ khiến trẻ giảm trí nhớ, thiếu tập trung, kết quả học tập không tốt.
Hơn nữa, kẽm tham gia vào hàng trăm cơ chế trong hệ thống miễn dịch của trẻ. Tình trạng thiếu kẽm lâu dài ở trẻ cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ bị ốm, dễ bị vi rút tấn công vào dạ dày và ruột. Thiếu kẽm liên tục có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như các vấn đề về gan hoặc đường ruột của trẻ.
Cách cải thiện tình trạng thiếu kẽm ở trẻ
Theo lời khuyên của các bác sĩ tại Viện dinh dưỡng quốc gia, có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng cách đa dạng hóa bữa ăn cho trẻ.
Mẹ cần phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ. Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như: hàu, cua, thịt bò, tôm, thịt, cá… trong bữa ăn dặm cho bé
Ngoài ra cần tăng cường các thực phẩm làm tăng khả năng hấp thụ kẽm như rau xanh, hoa quả. Mẹ có thể tìm hiểu cách chế biến các loại thực phẩm phù hợp với độ tuổi và khả năng thức ăn đặc của trẻ.
Nếu cho trẻ bú mẹ thì mẹ nên bổ sung kẽm từ chế độ ăn hàng ngày từ các loại thức ăn giàu kẽm. Mẹ cũng có thể bổ sung sữa công thức cho trẻ nếu như nguồn sữa mẹ giảm. Sữa công thức chứa các vitamin và khoáng chất được kiểm soát ở mức độ phù hợp giúp trẻ bổ sung nguồn kẽm hiệu quả hơn.
Lưu ý: Nếu tình trạng thiếu kẽm của trẻ nghiêm trọng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
***Nội dung trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn chính xác, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện nhé!
Chiều cao và sự phát triển của cơ thể không chỉ phụ thuộc vào cấu tạo gen mà còn phụ thuộc vào sự tập luyện, vận động và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học. Việc cho trẻ ăn...
Giúp trẻ phát triển cảm xúc (EQ) quan trọng không kém chỉ số thông minh (IQ). Bố mẹ cần hiểu rõ tầm quan trọng và phương pháp giúp con phát triển EQ tốt nhất ngay từ khi còn bé. Dưới...