Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất chứa các hợp chất kích thích hệ miễn dịch và sự phát triển của hệ vi sinh vật. Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ thay đổi trong quá trình cho con bú hoặc giữa các lần bú. Thành phần này cũng khác nhau giữa các bà mẹ hay giữa trẻ sinh đủ tháng và trẻ sinh non [1].
Các giai đoạn tiết sữa
Sữa non là loại sữa đầu tiên được sản xuất sau khi sinh và chứa một hàm lượng cao các hợp chất kích thích miễn dịch được gọi là globulin miễn dịch. Các globulin miễn dịch bắt đầu phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ, chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chào đời. Sữa non cũng chứa các chủng vi sinh vật độc đáo bắt đầu quá trình hình thành các vi khuẩn có lợi trong ruột [2].
Sữa non chứa hàm lượng axit béo cao những chất này cùng với protein sẽ bắt đầu giảm trong những tuần sau khi sinh [3]. Sau khoảng 5 ngày, sữa non sẽ dần được thay thế bằng sữa chuyển tiếp, và từ tuần thứ 2 sau khi sinh đến khoảng tuần thứ 6, loại sữa này tiếp tục thay đổi thành phần cho đến khi thành sữa thuần thục (sữa già) [4]. Thành phần dinh dưỡng đa lượng của sữa mẹ thay đổi trong quá trình cho con bú để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển ở mỗi giai đoạn của cuộc đời [1].
Các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ
Protein
Protein trong sữa mẹ được chia thành đạm whey và đạm casein, mỗi loại bao gồm một loạt các protein và peptit. Protein trong sữa mẹ không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng mà còn thúc đẩy phát triển đường ruột, hấp thu chất dinh dưỡng, cũng như hỗ trợ phát triển sức khỏe miễn dịch [5].
Lactoferrin: Lactoferrin là một loại protein chứa sắt có tác dụng làm chậm sự phát triển của vi khuẩn “xấu”. Lactoferrin có trong thành phần đạm whey-protein của sữa mẹ và là một chất dinh dưỡng quan trọng mang lại nhiều lợi ích miễn dịch cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ [6].
Nucleotides: Nucleotides là một nhóm đường thiết yếu được tìm thấy trong sữa mẹ, góp phần xây dựng các chuỗi DNA, cần thiết cho các tế bào phân chia và các mô đang phát triển. Chất này cũng có vai trò miễn dịch quan trọng ở trẻ sơ sinh và hỗ trợ hấp thu chất béo ở ruột [7].
Carbohydrate
Carbohydrate trong sữa mẹ cung cấp năng lượng cho sự phát triển và giúp hình thành hệ vi sinh vật đường ruột.
Đường lactose: Carbohydrate dồi dào nhất trong sữa mẹ chính là đường lactose, trẻ cần một lượng lớn chất này để đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của não bộ và hệ thần kinh trung ương đang phát triển.
Các oligosaccharide trong sữa mẹ (HMO): một trong những carbohydrate quan trọng khác là oligosaccharides trong sữa mẹ (HMO), chất này có hàm lượng cao nhất trong sữa non nhưng vẫn có trong sữa thuần thục. HMO đóng vai trò như prebiotics, nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong đường ruột cũng như hỗ trợ sự phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh [4].
Galactooligosaccharides (GOS): GOS là một đường chuỗi dài hơn được tìm thấy trong sữa mẹ và cũng được xếp vào nhóm với prebiotics, vì nó hỗ trợ sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột [8].
Chất béo
Chất béo đại diện cho nguồn năng lượng chính trong sữa mẹ và rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ thần kinh trung ương và sự hấp thu các vitamin tan trong chất béo A, D, E và K. Mỗi chất béo có một vai trò riêng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh.
DHA: Axit docosahexaenoic (DHA) đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển não và võng mạc của trẻ sơ sinh và không giống như các axit béo khác, hàm lượng DHA trong sữa mẹ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống của người mẹ.
ARA: Axit arachidonic (ARA) lấy từ nguồn dự trữ của mẹ rất quan trọng cho sự phát triển các đường dẫn truyền thần kinh và hệ thống miễn dịch.
Mức an toàn DHA và ARA cải thiện đáng kể thị lực và chức năng nhận thức ở trẻ sơ sinh và trẻ tập đi [9]. Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng sữa non có chứa thành phần DHA cao hơn giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn so với sữa non có hàm lượng DHA thấp [10].
Vitamin và khoáng chất
Sữa mẹ chứa tất cả các vitamin và khoáng chất thiết yếu cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin A, D, K, vitamin nhóm B, axít folic và khoáng chất mangan, selen và canxi trong sữa mẹ khác nhau, tùy thuộc vào khẩu phần ăn và nguồn dinh dưỡng dự trữ ở mẹ [11-14].
Carotenoid
Carotenoid là một nhóm các hợp chất chống oxy hóa dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh và có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn của mẹ [12].
Lutein: Lutein là một loại caroten có trong sữa mẹ. Chất này tích tụ trong võng mạc và não, ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa [15].
Beta-carotene: Beta-carotene (dạng không hoạt động của vitamin A) được tìm thấy với số lượng cao hơn trong sữa non, góp phần tạo nên màu vàng đậm của sữa lúc đầu. Beta-carotene mang đặc tính tiền vitamin A và chuyển đổi thành retinol (dạng hoạt động của vitamin A) khi cần thiết [12].
Hợp chất có hoạt tính sinh học khác
Các vi sinh có lợi: Sữa mẹ chứa một cộng đồng vi sinh đa dạng với hơn 200 nhóm sinh vật. Những vi sinh vật thiết yếu này bắt đầu sự phát triển hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sơ sinh, một phần của hệ thống miễn dịch đường ruột và có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và viêm đường ruột và đường hô hấp.
Hormone: Sữa mẹ chứa các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất và thành phần cơ thể như insulin, leptin, ghrelin và adiponectin [4].
Sự khác biệt về thành phần sữa mẹ trên toàn cầu
DHA: Ở các nước phương Tây như Úc, Mỹ và Anh, sữa mẹ thường có hàm lượng axit béo Omega-3 (DHA) thấp hơn và hàm lượng chất béo tiền viêm Omega-6 cao hơn. Các nước châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc đã cho thấy hàm lượng DHA trong sữa mẹ cao hơn, điều này góp phần cho sự hấp thu Omega-3 ở trẻ.[4].
Vitamin: Nồng độ vitamin A, D, K, B12 và axít folic thấp hơn ở Việt Nam, Trung Quốc và Pakistan. Trong một số trường hợp, hàm lượng các chất này trong sữa mẹ không đủ đáp ứng mức yêu cầu [13].
Khoáng chất: Hàm lượng canxi trong sữa mẹ có thể thay đổi tùy vào lượng dự trữ và bổ sung từ người mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Mỹ, Mexico và Trung Quốc có hàm lượng canxi trong sữa mẹ cao hơn. Mangan, phốt-pho và selen cũng cho thấy sự thay đổi giữa các quốc gia, có thể là do nồng độ khoáng chất của đất [11,14].
Carotenoid: Carotenoid như lutein và lycopene trong sữa mẹ có sự khác biệt tùy theo địa lý. Hàm lượng lutein được tìm thấy trong sữa của các bà mẹ ở Trung Quốc cao hơn so với ở Mỹ. Trong khi đó, nồng độ lycopene trong sữa mẹ ở Mỹ cao hơn [12].
Các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của mẹ và chức năng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh
Chất dinh dưỡng |
Chức năng đối với trẻ |
Nguồn thức ăn |
DHA |
Quan trọng cho sự phát triển của não, mắt và hệ thống miễn dịch |
Dầu cá: cá mòi, cá hồi, cá ngừ
Tảo biển |
Vitamin A |
Cần thiết cho sự phát triển của não, mắt và hệ thống miễn dịch.
Hình thành và duy trì da, tóc, màng nhầy |
Sản phẩm sữa
Thịt
Cá |
Vitamin D |
Cần thiết cho sự hình thành xương bình thường và ngăn ngừa bệnh còi xương. |
Tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời
Lòng đỏ trứng
Nấm |
Vitamin K |
Cần thiết cho quá trình đông máu bình thường |
Rau có màu xanh: rau bina, cải xoăn, cải thìa |
Vitamin nhóm B |
Quan trọng cho sự phát triển của não, tế bào hồng cầu và hệ thần kinh.
Sản sinh năng lượng
Chuyển hóa axit béo
Xây dựng các mô (cơ, cơ quan, da, não) |
Các loại ngũ cốc
Rau
Cây họ đậu
Thịt, cá và sữa |
Canxi |
Phát triển và hình thành xương và răng
Chức năng thần kinh và cơ bình thường
Đong máu ở trạng thái bình thường. |
Sản phẩm bơ sữa
Rau xanh: bông cải xanh, cải ngọt, cải bó xôi
Hạt mè |
Mangan |
Hình thành xương |
Đậu các loại
Các loại ngũ cốc
Rau có màu xanh |
Phốt pho |
Phát triển / duy trì xương |
Quả hạch & hạt
Các loại ngũ cốc
Thịt, hải sản, sữa |
Selen |
Chống oxi hóa
Cần thiết cho chức năng tuyến giáp khỏe mạnh |
Điều Brazil
Nấm
Thịt, cá, sữa |
Lutein |
Chống oxy hóa
Giảm viêm
Bảo vệ mắt và não |
Rau xanh: cải xoăn, cải bó xôi, bông cải xanh |
Lycopene |
Chống oxi hóa |
Trái cây và rau màu đỏ: cà chua, đu đủ, dưa hấu |
Beta-carotene |
Chống oxy hóa
Tiền chất của retinol (vitamin A) |
Trái cây và rau màu cam: bí đỏ, khoai lang, đu đủ, xoài |
Nguồn tham khảo:
- Bauer J, et al. 2011; 30(2):215–220
- Cabrera-Rubio R, et al. Am J Clin Nutr. 2012 Sep;96(3):544-51
- Aleix Sala-Vila, Ana I. et al. Nutr. 2005; 21(4): 467-473
- Mosca F, et al. Pediatr Med Chir. 2017; Jun 28;39(2)
- Ballard O, et atl. Pediatr Clin North Am. 2013;60(1):49-74
- Manzoni, J Pediatr. 2016 Jun;173 Suppl:S43-52
- Wang et al. PLoS One. 2015; 10(6): e0127758.
- Matsuki et al. Beneficial Microbes. 2016; 7(4): 453-461
- Carlson, et al. Adv Pediatr. 2016; Aug; 63(1): 453–471
- Bernard JY, et al. J Pediatr. 2017 ;Apr;183:43-50
- Klein LD, et al. PLoS One. 2017; 12(8)
- Lipkie TE, et al. PLoS One. 2015; June 10(6)
- Nguyen, M.T.T. et al. Nutrients 2020, 12, 1794.
- Radzanowski, GM, et al. 2002.
- Barker FM 2nd, et al. Invest Ophthalmol Vis Sci. 2011; 52(7)