Suy dinh dưỡng ở trẻ em, nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt

Đăng ngày: 25/11/2021
Chia sẻ:

Suy dinh dưỡng ở trẻ em không phải là vấn đề mới nhưng nó chưa bao giờ hết “nóng” trên toàn cầu. Ở Việt Nam, khi trẻ bụ bẫm được coi thước đo thì việc trẻ bị suy dinh dưỡng là mối lo ngại lớn trong mỗi gia đình. Làm thế nào để phát hiện sớm trẻ bị suy dinh dưỡng? Và cách khắc phục tình trạng này là gì?

Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm “bí kíp” cùng trẻ vượt qua vấn đề này.

Nỗi ám ảnh suy dinh dưỡng ở trẻ em bao phủ toàn cầu

Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), vào năm 2020 có khoảng 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi; 45 triệu trẻ bị gầy còm và 38,9 triệu trẻ bị thừa cân, béo phì trên toàn cầu. Đáng nói, đã có khoảng 45% ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là do suy dinh dưỡng (1).

Ở Việt Nam tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em mặc dù đã được cải thiện xong đây vẫn là một trong số 34 quốc gia phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Tổ chức Unicef tại Việt Nam thống kê, cả nước có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ tổn thương não và thể chất lâu dài.

Những con số trên đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối về sức khỏe của thế hệ tương lai đang bị đe dọa bởi… suy dinh dưỡng.

Các dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng mẹ nhất định phải biết

Có thể nhận biết dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em bằng mắt thường

Có thể nhận biết dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em bằng mắt thường

Có nhiều dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng, tuy nhiên những dấu hiệu sau đây mẹ có thể quan sát bằng mắt thường trước khi đưa con đi kiểm tra.

  • Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có biểu hiệu không tăng trưởng về cân nặng như mức dự kiến trong 3 tháng liên tiếp. Trẻ cũng có thể bị sút cân từ từ hoặc đột ngột.
  • Ngoài cân nặng, trẻ suy dinh dưỡng thường có những thay đổi về hành vi như: thường xuyên quấy khóc (đối với trẻ sơ sinh); ít vui chơi và ít hoạt động hơn; cơ thể mệt mỏi, buồn bã; các bắp thịt tay chân mềm nhão; bụng to bất thường, chán ăn kéo dài… (3)
  • Tương ứng với từng độ tuổi trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ chậm phát triển ở các mốc quan trọng về vận động như: Chậm biết lẫy, chậm biết bò, ngồi, đi, đứng…(3)
  • Bên cạnh những dấu hiệu có thể quan sát bằng mắt thường, nếu để ý kỹ hơn, bố mẹ cũng có thể phát hiện ra con bị suy dinh dưỡng nếu thấy con thường xuyên gặp các vấn đề như giảm thị lực, lở da, tiêu chảy, nhiễm trùng, thiếu máu… do thiếu hụt vitamin và khoáng chất.

Các loại hình suy dinh dưỡng ở trẻ em

Nhận diện các loại suy dinh dưỡng ở trẻ em

Nhận diện các loại suy dinh dưỡng ở trẻ em

Theo phân loại của WHO có 4 dạng suy dinh dưỡng cơ bản ở trẻ em gồm: suy dinh dưỡng dạng gầy còm, dạng thấp còi, dạng nhẹ cân và dạng thiếu vitamin và khoáng chất.

Suy dinh dưỡng thể gầy còm

Trong đó suy dinh dưỡng thể gầy còm được định nghĩa dành cho những trẻ có cân nặng thấp hơn so với chiều cao tương ứng. Trẻ bị suy dinh dưỡng thể gầy còm thường có tình trạng sụt cân nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn thức ăn không đủ dinh dưỡng hoặc mắc một bệnh truyền nhiễm nào đó như tiêu chảy.

Suy dinh dưỡng thể thấp còi

Là dạng suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ có chiều cao thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đây cũng là kết quả của tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài ở bà mẹ khi mang thai và trẻ em khi được sinh ra ở những năm tháng đầu đời. Suy dinh dưỡng thể thấp còi khiến trẻ khó đạt được mục tiêu về thể chất và sự phát triển nhận thức một cách toàn diện.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân

Dạng suy dinh dưỡng này xảy ra ở những bé có cân nặng thấp hơn mức tiêu chuẩn so với các bé có cũng độ tuổi và giới tính với nhau.

Suy dinh dưỡng do thiếu hụt vitamin và khoáng chất

Thiếu hụt vitamin và khoáng chất hay còn gọi là thiếu hụt vi chất dinh dưỡng khiến cơ thể trẻ không thể sản xuất ra các hormone, enzyme và dưỡng chất khác cần thiết cho sự quá trình tăng trưởng và phát triển ở trẻ.

Ngoài ra, thừa cân béo phì cũng là một dạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, đây là tình trạng trẻ bị quá cân nặng so với chiều cao của mình. Nguyên nhân khiến trẻ bị thừa cân béo phì do thường xuyên ăn những thực phẩm có nhiều đường, chứa chất béo bão hòa và đạm động vật nhưng có giá trị thấp về vitamin và khoáng chất…

Những hệ lụy nghiêm trọng khi trẻ thiếu dinh dưỡng

Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Điều này dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Mất năng lượng

Thiếu dinh dưỡng hay suy dinh dưỡng sẽ khiến cho trẻ rơi vào tình trạng thiếu năng lượng. Bởi lẽ, nhiều chất dinh dưỡng cần sử dụng để sản xuất năng lượng trong các mô. Năng lượng là yếu tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Ví dụ như thiếu cacbohydrat và protein sẽ gây ra suy dinh dưỡng protein- năng lượng (PEM) khiến trẻ thường xuyên bị đầy hơi, mệt mỏi và kiệt sức (4).

Bé không có năng lương, thường xuyên mệt mỏi

Bé không có năng lương, thường xuyên mệt mỏi

Trẻ không tăng trưởng theo chuẩn

Đây là hậu quả dễ nhìn thấy nhất ở trẻ bị suy dinh dưỡng. Khi thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng ví dụ như kẽm sẽ làm chậm tốc độ phát triển ở các mô, khiến trẻ không tăng cân hoặc tăng cân chậm so với bạn bè cùng trang lứa.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe còn khiến trẻ tự ti, rụt rè và mặc cảm về hình thể của mình khi trẻ bước vào độ tuổi tự nhận thức được.

Chức năng vật lý của cơ thể phát triển chậm

Trường hợp trẻ thiếu một số chất dinh dưỡng như canxi, phốt pho và các vi chất dinh dưỡng (vitamin D, K…) dẫn đến chậm phát triển xương, khiển trẻ bị thấp còi. Hơn nữa, nếu bé bị thiếu magie cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ vận động như tay, chân.

Giảm chức năng não và các vấn đề về nhận thức

Một số loại vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho phát triển trí não của bé trong nhưng năm đầu đời. Nếu thiếu các chất này, trẻ sẽ gặp phải những vấn đề về chậm phát triển nhận thức, học kém, tiếp thu chậm. Trong đó điển hình là thiếu i-ốt và DHA. Nghiêm trọng hơn nếu như trẻ thiếu các loại vitamin như: vitamin A, C và E có thể dẫn đến hiện tượng mù ở trẻ em, khô mắt và đục thủy tinh thể (5).

Cách cải thiện dinh dưỡng giúp trẻ thoát khỏi suy dinh dưỡng

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bé

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho bé

  • Cha mẹ phải thường xuyên theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng của con để sớm phát hiện những dấu hiệu trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt là không lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ (6).
  • Duy trì các bữa đủ chất để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ như: các chất dinh dưỡng đa lượng (carbohydrate, chất béo tốt, protein) và các vi chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất, chất xơ prebiotic).
  • Sử dụng các thực phẩm lành mạnh bao gồm sữa, thịt, trái cây, rau và các loại hạt…. Cho trẻ uống nhiều nước hơn nhưng mẹ cần đảm bảo đó là nguồn nước sạch.
  • Không cho trẻ ăn các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ và các loại nước ngọt, thức ăn có đường, chất bảo quản, tạo màu… Vì các món này có hàm lượng dinh dưỡng nghèo nàn, không tốt cho bé.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em sẽ không còn là nỗi ám ảnh nếu như các bậc cha mẹ hiểu về nó và biết cách đồng hành cùng con trong những giai đoạn phát triển quan trọng của cuộc đời.

***Nội dung trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn chính xác, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện nhé!

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/malnutrition
  2. https://www.unicef.org/vietnam/vi/dinh-d%C6%B0%E1%BB%A1ng
  3. https://mch.moh.gov.vn/pages/news/17191/Suy-dinh-duong—Nguyen-nhan-va-hau-qua.html
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4005205/
  5. http://www.southsudanmedicaljournal.com/archive/2008-02/mother-and-child-undernutrition-vitamin-a-deficiency.html
  6. https://vncdc.gov.vn/mot-so-nguyen-nhan-dan-toi-tinh-trang-tre-bi-suy-dinh-duong-va-bien-phap-khac-phuc-nd14918.html

Đọc tiếp ...

Sâu răng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả

Sâu răng ở trẻ em là một bệnh nhiễm khuẩn khá phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của con. Vì vậy, bố mẹ cần biết cách chăm sóc và ngăn ngừa sâu răng cho...

Chi tiết
Phát triển ngôn ngữ cho trẻ, đâu mới là thời điểm “vàng” ?

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ được coi là mục tiêu vô cùng quan trọng ở những năm tháng "vàng" đầu đời. Ngôn ngữ chính là phương tiện giúp con phát triển nhận thức, giao lưu khám phá thế giới...

Chi tiết

CÁC MẸ KHÁC ĐANG ĐỌC

Tham gia câu lạc bộ
Little Étoile

tham gia ngay