Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mùa dịch Covid

Đăng ngày: 23/08/2021
Chia sẻ:

Làm sao để biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là điều nhiều mẹ băn khoăn và đầy bỡ ngỡ. Đây cũng khởi đầu của những trải nghiệm khó khăn khi lần đầu làm mẹ. Những lưu ý sau đây hi vọng sẽ giúp các mẹ vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn, đặc biệt là trong mùa dịch Covid-19.

Vì sao mẹ phải “nằm lòng” cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi?

Giai đoạn 1 tháng tuổi vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Theo nghiên cứu của tổ chức UNICEF, ở Việt Nam, trẻ sơ sinh có cơ hội sống tương đối cao. Nhưng, những trường hợp trẻ tử vong dưới 5 tuổi vẫn xảy ra 82% trong năm đầu đời và 61% ở tháng đầu tiên [1].

Bởi, theo các nhà khoa học thời kỳ chu sinh của trẻ kéo dài từ tuần thai thứ 28 đến 7 ngày sau sinh. Đây là giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tử vong nên trẻ cần được bố mẹ chăm sóc đúng cách. Vì vậy học cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi là bài học “vỡ lòng” cho bất kỳ ai bắt đầu bước vào hành trình làm cha mẹ. Chỉ cần nằm lòng 5 bí kíp sau đây sẽ “cởi trói” cho những lo lắng này của bố mẹ.

Giúp bé có được những giấc ngủ tròn vo

Giấc ngủ của trẻ dưới 1 tháng tuổi vô cùng đặc biệt. Mẹ đừng ngạc nhiên khi thấy mỗi ngày bé ngủ từ 16 – 17 tiếng [2]. Ở tháng đầu, bé vẫn quen giấc ngủ trong bụng mẹ và bé sẽ thức nhiều hơn khi bắt đầu sang tháng tuổi thứ 2 hoặc thứ 3.

Cho trẻ dưới 1 tháng tuổi ngủ đúng cách

Cho trẻ dưới 1 tháng tuổi ngủ đúng cách

Để bé ngủ ngon mẹ cần làm gì? Tổ chức Red Nose Australia đã đưa ra 6 khuyến nghị về giấc ngủ an toàn cho trẻ [3]. Theo đó, mẹ cần đảm bảo cho bé có một môi trường ngủ an toàn, trong cũi, nôi hoặc giường nhỏ. Trẻ nên được ở cùng phòng với bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ trong 6 – 12 tháng đầu. Không sử dụng chăn, mền, da cừu, thú nhồi bông và nhiều gối trong cũi, vì những thứ này có nguy cơ làm bé khó thở.

Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ giúp cho đường thở của trẻ được thông thoáng và giảm nguy cơ SIDS –  một hội chứng đột tử trẻ sơ sinh thường gặp phải khi ngủ. Luôn giữ khuôn mặt và đầu của trẻ không bị che kín bởi trẻ sơ sinh kiểm soát nhiệt độ của mình thông qua mặt và đầu. Nếu không giữ thông thoáng trẻ có nguy cơ tăng nhiệt độ cơ thể hoặc dẫn đến ngạt thở.

Ngoài ra, cần giữ cho môi trường của bé “không khói thuốc”. Nếu gia đình có người hút thuốc cần tuyệt đối tránh xa phòng ngủ của bé.

Cho bé bú đúng cách, ợ hơi nhịp nhàng

Đối với trẻ bú mẹ

Nếu có thể hãy giúp trẻ được hưởng 100% dòng sữa mẹ ở giai đoạn đầu đời. Vì nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh. hãy cho trẻ bú càng sớm càng tốt để tận dùng nguồn sữa non chứa nhiều kháng thể. Nguồn sữa này sẽ giúp bé chống lại những vi khuẩn có hại, bệnh dị ứng và bệnh vàng da.

Trước khi cho bé bú, mẹ hãy luôn rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sạch sẽ. Mỗi lần cho bé ti từ 10 – 15 phút và nhớ đổi bên vú bên nhé. Điều này sẽ giúp nguồn sữa được chảy đều từ 2 ngực tránh nguy cơ bị lệch ngực ở mẹ.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu các bà mẹ đang cho con bú có bất kỳ triệu chứng nào, cần cẩn thận thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung để không lây nhiễm cho con. Điều rất quan trọng là phải vệ sinh cẩn thận máy hút sữa và tay trước khi đến gần bé. Vệ sinh máy hút sữa bằng nước ấm sau mỗi lần sử dụng cũng quan trọng không kém. Để phòng ngừa, hãy nhớ đeo khẩu trang trong khi cho em bé bú nếu mẹ có dấu hiệu cảm cúm.

Đối với trẻ bú sữa công thức

Mẹ hãy vệ sinh bình sữa và núm ti trước và sau khi pha sữa cho bé

Mẹ hãy vệ sinh bình sữa và núm ti trước và sau khi pha sữa cho bé

Đối với trường hợp không thể đủ sữa mẹ cho con bú, mẹ sẽ vất vả hơn trong tháng đầu. Việc cần lưu ý nhất là mẹ phải chọn được bình sữa và núm ti có chất liệu tốt. Cũng như mẹ cần cẩn thận vệ sinh bình sữa và núm ti trước và sau khi pha sữa cho bé. Sữa công thức cần được pha đúng tỉ lệ và nhiệt độ, luôn thử sữa trên cánh tay trước khi cho bé bú để tránh bị bỏng.

Sau khi bé ti, mẹ quan sát và cho bé ợ hơi để tránh bị trớ. Tốt nhất mẹ nên cho bé nằm hơi nghiêng, một tay giữ đầu và ngực bé, một tay mẹ xoa lưng theo hình tròn hoặc chụm bàn tay vỗ nhẹ từ dưới lên.

Tắm cho trẻ sơ sinh không hề khó!

Tắm cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đúng cách

Tắm cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đúng cách

Lần đầu làm mẹ, việc khiến hầu hết các mẹ phải loay hoay là làm thế nào để tắm cho bé. Thông thường thì ở tuần đầu tiên khi bé chưa rụng rốn, mẹ cần sự can thiệp của nhân viên y tế. Nhưng các tuần sau đó mẹ hoàn toàn có thể làm được theo cách sau:

Vệ sinh rốn

Đối với rốn: Trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh, mẹ cần giữ cho phần rốn của bé sạch sẽ và khô ráo. Sau khi tắm cần làm khô cuống rốn và giữ không để nước tiểu ngấm vào vùng này. Nếu thấy cuống rốn chảy máu hãy gọi đưa bé đến bệnh viện để điều trị vì có thể bé đã bị nhiễm trùng [4].

Sau khi cuống rốn rụng, rốn của bé cần được rửa bằng nước muối sinh lý lau khô lại bằng gòn và tăm bông vô trùng. Mẹ không cần phải bôi bất kỳ thuốc gì lên rốn, nên để hở để rốn mau khô.

Tắm cho trẻ

Khi tắm cho bé: Mẹ cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau và dụng cụ tắm rửa. Nơi tắm cho bé phải được bố trí ở nơi kín gió, ấm áp. Các mẹ thường dùng các loại lá cây như: chè, lá khế, lá kinh giới, chanh… theo kinh nghiệm của ông bà truyền lại để tắm cho trẻ. Nhưng lời khuyên của các bác sĩ là nên dùng xà bông có độ kiềm thấp để tránh những rủi ro không cần thiết do lá cây nhiễm hoá chất, thuốc trừ sâu…[5].

Chú ý làm sạch những vị trí như bẹn, nách, cổ, gáy… vì đây là nhưng nơi thường hay ra mồ hôi, ẩm, dẫn đến hăm, rôm sẩy.

Đừng quên kết nối yêu thương với trẻ mỗi ngày

Đối với trẻ sơ sinh, sự kết nối, âu yếm của cha mẹ hàng ngày sẽ giúp trẻ phát triển được cảm xúc một cách mạnh mẽ [6].

Gần gũi, kết nối yêu thương với trẻ thường xuyên

Gần gũi, kết nối yêu thương với trẻ thường xuyên

Trẻ sơ sinh thường thích những âm thanh giọng nói, những lời thủ thỉ, kể truyện, hát… Vì vậy bố mẹ hãy thường xuyên nói chuyện, thủ thỉ với bé. Có thể bé không hiểu lời nhưng âm thanh sẽ giúp kích thích cảm xúc của bé.

Mẹ cũng cần thường xuyên mát xa cho trẻ. Sự gần gũi của mẹ trong quá trình mát xa cho bé sẽ thúc đẩy mối liên kết tình cảm mẹ con, giúp bé cảm nhận được sự an yên và ấm áp trong gia đình.

Những lưu ý trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi

Bé yêu của bạn chưa phát triển hệ miễn dịch toàn diện nên rất dễ bị ốm. Chính vì vậy bố, mẹ và những người chăm sóc trẻ cần lưu ý để tránh những nguy cơ nhiễm khuẩn cho bé.

  • Hãy rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào trẻ hoặc chơi đùa với trẻ. Nếu gia đình có người bị cảm lạnh, bị ốm hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm hạn chế đến gần và chăm sóc trẻ. Hãy giữ khoảng cách an toàn cho đến khi khỏi ốm hoàn toàn.
  • Trước khi chào đón bé về nhà, mẹ hãy chắc chắn rằng, thú cưng trong nhà đều đều đã được cách ly. Bởi vì lông, vi khuẩn và vi sinh vật trên thú cưng rất dễ lây lan cũng như làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Ngoài việc khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều trong nhà, bạn cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của bé bằng nước ấm. Ngoài ra, đừng quên rửa sạch bình sữa, đồ chơi bằng nhựa, giường, cũi và quần áo của bé.
  • Một lưu ý nữa là trẻ em dưới hai tuổi không nên đeo khẩu trang vì có thể làm tăng nguy cơ hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS) hoặc có thể con bạn ngạt thở [7].

Hi vọng những “bí kíp” về cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi trên đây sẽ giúp các mẹ vững tâm bước chân vào hành trình nuôi con khôn lớn.

Nguồn tham khảo:

(1) https://www.unicef.org/vietnam/vi/chăm-sóc-sức-khỏe-bà-mẹ-trẻ-em

(2), (6) https://kidshealth.org/en/parents/guide-parents.html

(3,4) https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/bathing-skin-care/Pages/Umbilical-Cord-Care.aspx

(5) https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/than-trong-khi-tam-cho-tre-so-sinh-bang-la-cay-804

(7) https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/downloads/communication/COVID-19_Keep_Baby_Healthy.pdf

Xem thêm:

Nuôi con bằng phương pháp easy giúp mẹ nhàn hơn khi chăm bé
Cách tăng cân cho bé hiệu quả và những lời khuyên cho mẹ

Đọc tiếp ...

Trẻ bị sốt phát ban: Biến chứng nguy hiểm & cách phòng ngừa

Có tới 95% trẻ bị sốt phát ban trong giai đoạn từ 6 tháng đến 2 tuổi [1]. Đây là căn bệnh dễ lây lan và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu như trẻ không được phát hiện sớm và chăm...

Chi tiết
Các bệnh thường gặp ở trẻ em ở giai đoạn sơ sinh 0-6 tháng

Nắm rõ kiến thức về các bệnh thường gặp ở trẻ em giúp bố mẹ tự tin hơn khi chăm sóc con. Nhất là giai đoạn sơ sinh (0-6 tháng) sức đề kháng của bé còn yếu, dễ bị nhiễm...

Chi tiết

CÁC MẸ KHÁC ĐANG ĐỌC

Tham gia câu lạc bộ
Little Étoile

tham gia ngay