Dấu hiệu trẻ chậm nói, nguyên nhân và cách xử trí cho bố mẹ
Đăng ngày: 28/01/2022
Chia sẻ:
Đến tuổi nhưng con vẫn không chịu “bi bô” gọi mẹ, đây liệu có phải là dấu hiệu trẻ chậm nói? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Bố mẹ nên xử trí như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trả lời chi tiết những thắc mắc mà chắc hẳn rất nhiều bố mẹ đang băn khoăn.
Nội dung bài viết
Dấu hiệu trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói là trường hợp trẻ không chịu nói khi đến độ tuổi phát triển ngôn ngữ hoặc có sử dụng các từ để diễn đạt ý nhưng phát âm chưa rõ ràng, nói được rất ít từ so với các bé cùng tuổi. Để đánh giá rõ hơn về tình trạng phát triển ngôn ngữ của bé, bố mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau đây để nhận biết
Giai đoạn 12 tháng
Bé không sử dụng các cử chỉ như chỉ tay, vẫy tay chào tạm biệt, hoan hô,…Với những bé giai đoạn này, thường sẽ có những cử chỉ thể hiện khả năng ngôn ngữ như ngửa tay xin, đập tay tương tác,..Nếu bé không sử dụng các cử chỉ này cũng là dấu hiệu cho thấy khả năng ngôn ngữ đang bị hạn chế.
Giai đoạn 18 tháng
Bé thường xuyên sử dụng cử chỉ để giao tiếp thay vì lời nói. Cũng ở giai đoạn này, nếu bé chậm nói sẽ khó bắt chước âm thanh hoặc gặp khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản bằng lời nói. Chẳng hạn bố mẹ nhờ bé lấy một số vật dụng đơn giản gần con nhưng khi bố mẹ yêu cầu bằng lời nói bé phản ứng chậm hoặc không hiểu.
Bé phản ứng chậm khi được gọi tên
Dấu hiệu trẻ chậm nói khi lên 2
Khi bé đã tròn 2 tuổi mà khả năng ngôn ngữ vẫn kém. Cụ thể có các biểu hiện: chỉ bắt chước lời nói và hành động của người lớn chứ không tự nói các từ mới, bé nói chậm, không rõ ý, không thể làm theo các hướng dẫn đơn giản của người lớn hoặc bé có giọng nói bất thường (giọng khàn hoặc giọng mũi)
Ngoài ra, các từ con nói không được rõ ràng hay khó hiểu thì đây cũng là một trong những dấu hiệu trẻ chậm nói. Đối với bé 2 tuổi, bố mẹ có thể hiểu được 50% những gì trẻ nói; đến 3 tuổi, con số này tăng lên 75% và đến 4 tuổi, bé có thể nói rõ ràng để bố mẹ hiểu được (1). Nếu số từ con nói khiến mẹ hiểu được ít hơn so với những mốc phần trăm kể trên thì nên đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói có thể do những nguyên nhân đến từ cấu tạo của vòm miệng, lưỡi, thậm chí thính giác cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cụ thể:
Bé bị suy giảm chức năng miệng: cấu tạo vòm miệng hoặc lưỡi của bé bất thường, hoặc lưỡi có nếp gấp bất thường, hạn chế chuyển động của lưỡi khiến bé khó khăn khi phát âm, nói rõ từ. Ngoài ra, cũng có thể do chức năng của cơ hàm, miệng bị ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương, khiến bé khó phối hợp môi, lưỡi hoặc hàm để phát âm.
Vấn đề về thính giác: Bé học ngôn ngữ và nói bằng việc lắng nghe người lớn phát âm. Vì thế, khi bé không nghe rõ, con sẽ bắt chước theo lời nói bố mẹ. Khiến trẻ gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trên thực tế, nguyên nhân trẻ chậm nói liên quan đến thính giác cũng thường gặp.
Nhiễm trùng tai: bé bị nhiễm trùng tai, nhất là nhiễm trùng mãn tính sẽ ảnh hưởng đến thính giác. Vì thế bố mẹ hãy chăm sóc, vệ sinh tai cho bé cẩn thận và đưa con đi kiểm tra tai thường xuyên để phát hiện kịp thời nếu bị viêm hay nhiễm trùng.
Bố mẹ cần xử trí thế nào khi nhận thấy dấu hiệu trẻ chậm nói
Bố mẹ là người chăm sóc và ở bên bé nhiều nhất. Vì thế, bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ, nhất là những trẻ chậm nói. Bố mẹ có thể giúp bé những việc như:
Giao tiếp cùng con
Hãy thường xuyên trò chuyện, hát cùng con, khuyến khích con bắt chước theo âm thanh và các cử chỉ của bố mẹ. Những bài hát, múa, câu chuyện hàng ngày có thể giúp con dần bắt chước và học nói theo.
Trò chuyện cùng con, giúp trẻ tập nói
Đọc cho con nghe
Ngay từ khi bé còn nhỏ, hãy hình thành thói quen đọc sách cho bé nghe. Đặc biệt, hãy chọn những quyển sách hoặc truyện có nhiều hình ảnh sinh động, màu sắc bắt mắt, khuyến khích bé đặt tên cho hình ảnh đó.
Sử dụng các tình huống hàng ngày
Bố mẹ hãy gọi tên các sản phẩm trong cửa hàng tạp hoá, giải thích những việc bạn đang làm cho con, cùng con khám phá những đồ vật xung quanh nhà, tên và tiếng kêu của các con vật. Bố mẹ nên kiên trì làm việc này hàng ngày.
Đưa con đến gặp bác sĩ
Nếu bố mẹ nhận thấy những dấu hiệu trẻ chậm nói hay tình trạng chậm nói của con kéo dài, nên đưa con đến gặp các bác sĩ chuyên về ngôn ngữ hoặc bác sĩ nhi. Các bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ năng nói và khả năng ngôn ngữ của bé. Đồng thời có thể kiểm tra cả khả năng vận động của vòm miệng, lưỡi của bé để tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục.
Trên đây là những thông tin về dấu hiệu trẻ chậm nói, nguyên nhân và cách xử trí cho bố mẹ. Hãy quan sát và đồng hành cùng con trên từng mốc phát triển để con có sự phát triển tốt nhất bạn nhé.
Trong các vi chất dinh dưỡng, chất khoáng vi lượng là một trong những dưỡng chất quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu bố mẹ chưa hiểu rõ về khoáng vi lượng và vai...
Hội nghị Sản Phụ khoa Việt - Pháp - Châu Á - Thái Bình Dương là một sự kiện lớn, mang tầm quan trọng với các chuyên gia ngành Sản Phụ khoa. Max Biocare tự hào đồng hành cùng hội...