Sâu răng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả
Đăng ngày: 22/11/2021
Chia sẻ:
Sâu răng ở trẻ em là một bệnh nhiễm khuẩn khá phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của con. Vì vậy, bố mẹ cần biết cách chăm sóc và ngăn ngừa sâu răng cho con từ khi còn nhỏ, giúp tránh các vấn đề về răng miệng sau này.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân gây sâu răng
Tình trạng sâu răng ở trẻ xảy ra khi thức ăn có chứa carbohydrate (đường và tinh bột) còn sót lại trên bề mặt răng. Cụ thể, khi trẻ ăn nhiều các thức ăn có đường hay tinh bột sẽ bị vi khuẩn sống trong khoang miệng tạo ra axit. Từ đó, vi khuẩn, thức ăn, axit và nước bọt kết hợp với nhau sẽ tạo thành mảng bám trên răng. Theo thời gian, các axit do vi khuẩn tạo ra sẽ ăn mòn men răng, gây ra sâu răng ở trẻ em.
Những thực phẩm này thường là sữa, soda, nho khô, kẹo, bánh ngọt, nước hoa quả, ngũ cốc và bánh mì….
Bé ăn nhiều đồ ngọt dễ bị sâu răng
Uống sữa vào buổi tối có làm trẻ sâu răng không?
Ở trẻ nhỏ, sâu răng thường do trẻ bú sữa vào buổi tối hay cả khi ngủ. Điều này sẽ làm tăng lượng đường có trong miệng để vi khuẩn xâm nhập vào men răng. Vì ban đêm, khoang miệng ít tiết nước bọt làm tăng hàm lượng lactose, tạo nhiều mảng bám và gây ra hiện tượng khử khoáng răng. Chính vì vậy, mẹ nên đánh răng cho trẻ nhỏ sau khi uống sữa trước khi đi ngủ.
Lưu ý rằng: trẻ uống sữa công thức hoặc sữa tươi có chứa đường (sucrose/ frucrose) sẽ làm tăng nguy cơ bị sâu răng hơn.
Dấu hiệu nhận biết
Mẹ có thể nhận biết tình trạng sâu răng ở trẻ nếu trên răng bé có xuất hiện các đốm trắng. Lúc này đồng nghĩa với việc men răng của bé bắt đầu bị hỏng. Dần dần sẽ hình thành các lỗ sâu răng và chuyển sang màu sẫm hơn.
Sâu răng ở trẻ em dễ nhận biết khi có vết đen trên răng
Mỗi trẻ có một dấu hiệu sâu răng khác nhau, đôi khi không có dấu hiệu rõ ràng. Nhưng nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây thì mẹ cần đưa trẻ đến nha sĩ kiểm tra:
Bị đau ở vùng xung quanh răng
Nhạy cảm với một số loại thực phẩm, chẳng hạn như đồ ngọt và đồ uống nóng/ lạnh.
Những trẻ có nguy cơ bị sâu răng
Hầu như bé nào cũng có vi khuẩn trong khoang miệng nên đều có nguy cơ bị sâu răng nếu không biết cách chăm sóc răng miệng hợp lý. Nhưng những điều sau đây có thể khiến trẻ dễ bị sâu răng hơn:
Khoang miệng có mật độ vi khuẩn gây sâu răng cao.
Chế độ ăn nhiều đường và tinh bột.
Nước uống không chứa florua.
Vệ sinh răng miệng kém.
Những trẻ tiết ít nước bọt hơn bình thường.
Cách chăm sóc và phòng ngừa sâu răng ở trẻ em
Chăm sóc răng miệng hợp lý ngừa sâu răng cho bé
Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ
Để răng miệng khỏe mạnh mẹ cần cho bé đánh răng 2 lần/ ngày. Nếu bé còn quá nhỏ để tự đánh răng, mẹ hãy giúp bé vệ sinh răng miệng. Đồng thời, tạo cho bé thói quen tự vệ sinh răng miệng đúng cách ngay từ khi mọc răng sữa.
Tips khi đánh răng cho trẻ:
Chải răng theo chuyển động tròn để bảo vệ nướu cho trẻ. Rất nhiều bố mẹ vẫn có cách đánh răng sai lầm là chải răng theo chiều ngang. Cách này vừa làm đau nướu vừa không sạch được thức ăn còn sót trong kẽ răng.
Hãy vệ sinh răng bé sau khi ăn và trước khi đi ngủ bằng kem đánh răng có fluor thích hợp. Nên đánh răng ít nhất 2 phút/ lần và nhắc trẻ không được nuốt kem đánh răng. Còn nữa, mẹ hãy thay bàn chải cho bé 3 tháng một lần nhé.
Đối với trẻ nhỏ hơn 3 tuổi, mẹ chỉ nên dùng một lượng nhỏ kem đánh răng, cỡ hạt gạo. Từ 3 tuổi, mẹ có thể tăng lượng kem đánh răng lên, cỡ hạt đậu. Thường xuyên dùng chỉ nha khoa thay vì tăm để làm sách thức ăn còn dính trong kẽ răng. Vì dùng tăm lâu ngày sẽ làm thưa răng, chảy máu chân răng của bé.
Từ 1 tuổi, mẹ hãy cho trẻ đến nha khoa để khám định kỳ 6 tháng 1 lần để kịp thời phát hiện nếu trẻ có dấu hiệu sâu răng.
Các thực phẩm cần hạn chế
Chế độ ăn rất quan trọng cho việc bảo vệ răng miệng cho trẻ. Hãy hạn chế các thức ăn có chứa nhiều đường và tinh bột như bánh kẹo, bánh quy, nước ngọt, nước ép đóng hộp, mứt, bánh mì, sữa công thức chứa nhiều đường…
Các chất dinh dưỡng cho răng khỏe mạnh
Cho trẻ làm quen và duy trì những thực phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh cho sức khỏe răng miệng của trẻ như rau củ, trái cây tươi để phòng ngừa sâu răng. Nếu bé có thói quen bú bình trước khi đi ngủ thì mẹ cần đánh răng cho bé sau khi bú hoặc chọn loại sữa không chứa đường.
Các thực phẩm tốt cho răng miệng
Canxi là thành phần chính cấu tạo nên men răng. Vì vậy mẹ hãy bổ sung canxi từ thực phẩm như sữa, sữa chua và pho mát…. giúp tăng cường sự chắc khỏe của răng. Ngoài ra, nguồn cung cấp canxi còn có hải sản, đậu nành, cá hồi và một số loại rau lá xanh đậm..
Bên cạnh Canxi thì Phốt-pho cũng là một khoáng chất cần thiết cho răng. Mẹ có thể bổ sung Phốt-pho cho bé với trứng, cá, thịt nạc, sữa, các loại hạt và đậu.
Hơn nữa, để điều hòa nồng độ canxi và vận chuyển canxi vào răng thì còn cần tới vitamin D. Hầu hết bố mẹ thường cho trẻ tắm nắng để hấp thu vitamin D. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể bổ sung qua trứng (lòng đỏ), cá, gan cá…
Vitamin C không những tăng cường sức đề kháng mà còn giúp bảo vệ nướu. Thế nên, hãy tập cho trẻ ăn nhiều trái cây họ cam quýt, cà chua, ớt, bông cải xanh và rau bina.
Sâu răng ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gây đau nhứt, khó chịu. Do đó, bố mẹ hãy kiểm soát chế độ ăn, bổ sung dinh dưỡng và sinh răng miệng hợp lý để ngăn ngừa sâu răng ở trẻ nhé!
Nguồn tham khảo:
Early childhood caries update: A review of causes, diagnoses, and treatments (nih.gov)
Tooth Decay (Caries or Cavities) in Children | Johns Hopkins Medicine
Tooth Decay (Caries or Cavities) in Children | Johns Hopkins Medicine
Dental care for children | healthdirect Dental care for children | healthdirect
Healthy Nutrition for Healthy Teeth (eatright.org)
Tình trạng béo phì ở trẻ em tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam đang tăng dần những năm gần đây. Cụ thể tại Việt Nam, tỷ lệ này tăng gấp 2 lần trong 10 năm qua, tại...
Suy dinh dưỡng ở trẻ em không phải là vấn đề mới nhưng nó chưa bao giờ hết “nóng” trên toàn cầu. Ở Việt Nam, khi trẻ bụ bẫm được coi thước đo thì việc trẻ bị suy dinh dưỡng...