Sốt mọc răng ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách chăm sóc cho mẹ
Đăng ngày: 23/09/2021
Chia sẻ:
Từ 6 tháng tuổi trở đi, sốt mọc răng ở trẻ là hiện tượng thường khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú. Sốt mọc răng thường có những biểu hiện thế nào? Mẹ nên chăm sóc bé ra sao? Làm sao để phân biệt sốt mọc răng ở trẻ với sốt thông thường?
Tất cả những thắc mắc của mẹ về vấn đề này sẽ được giải thích trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Sự phát triển răng ở trẻ giai đoạn 6-12 tháng
Mẹ dễ nhận biết các dấu hiệu mọc răng ở trẻ như bé thường cắn, nghiến các đồ chơi hoặc đầu vú mẹ,..Các biểu hiện này thường xuất hiện sớm hơn 2-3 tháng nhưng tới khi 6 tháng tuổi thì chiếc răng đầu tiên của bé mới xuất hiện.
Dấu hiệu mọc răng sớm nhất có thể xảy ra ở trẻ 2 tháng tuổi. Tuy nhiên, những chiếc răng lúc này mới bắt đầu nhú lên dưới nướu và chỉ thực sự mọc khi 6 tháng tuổi. Trẻ thường sẽ mọc răng cửa ở hàm dưới theo từng chiếc một, sau đó tới hàm trên.
Trẻ thường mọc răng cửa trước tiên
Khi bé bắt đầu mọc răng, bố mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để răng phát triển khoẻ mạnh. Các nhóm chất cần thiết gồm: Canxi, vitamin D, vitamin K, photpho, Mangan. Do đó, mẹ có thể bổ sung các chất dinh dưỡng này cho bé trong các bữa ăn dặm:
Vitamin D từ trứng, bơ sữa, cá hồi,..và vitamin D tự nhiên từ ánh sáng mặt trời
Vitamin K có nhiều trong các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, cải ngọt,..
Photpho có trong thịt, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt,..
Mangan có trong các loại đậu, quả hạch ở dạng bơ hạt hoặc bột, ngũ cốc nguyên hạt,..
Ngoài ra, bố mẹ cần quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh răng miệng cho trẻ. Hãy vệ sinh răng miệng cho con 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải răng dành cho trẻ em hay miếng gạc nhỏ. Bố mẹ lưu ý chà răng và lưỡi bé một cách nhẹ nhàng với nước sạch.
Dấu hiệu sốt mọc răng ở trẻ
Trẻ mọc răng có thể kèm theo cơn sốt nhẹ và thường không vượt quá 38 độ C. Vì thế, nếu bé bị sốt cao hơn mức này thì có thể không liên quan đến mọc răng mà do bé bị nhiễm trùng hoặc do các nguyên nhân khác. Bố mẹ cần quan sát cẩn thận và đo thân nhiệt của bé thường xuyên, nếu bé sốt cao cần được đưa đến bác sĩ kịp thời.
Trẻ bị sốt nhẹ khi mọc răng
Dấu hiệu sốt mọc răng ở trẻ rõ ràng nhất là khi nướu bị sưng đỏ và đau ở chỗ răng nhú lên. Bé cũng thường ngậm tay, nhai đồ chơi và chảy nhiều nước dãi. Khi bé bú cũng khó khăn hơn vì bé thường giật, nhai núm vú mẹ hoặc bú bình do đau nướu.
Có thể mẹ sẽ bắt gặp các biểu hiện khác như má bé bị ửng hồng hoặc bị phát ban trên mặt. Một số trường hợp bé bị tiêu chảy nhưng hiện nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh điều này do việc mọc răng gây ra [1]
Hơn nữa, sốt mọc răng ở trẻ khiến cơ thể trẻ khá khó chịu nên bé thường cáu kỉnh, quấy khóc, bỏ ăn. Giấc ngủ của bé cũng bị rối loạn nên bé thường thức giấc và quấy khóc.
Mẹ làm gì khi trẻ bị sốt mọc răng
Khi trẻ bị sốt mọc răng, mẹ có thể sử dụng các biện pháp tự nhiên, an toàn để giúp con dễ chịu hơn, hạn chế quấy khóc.
Cách giảm sốt mọc răng đơn giản cho trẻ
Cách đơn giản giúp bé giảm đau nướu khi mọc răng là massage nướu của bé. Do đó, mẹ có thể dùng ngón tay sạch hoặc gạc ướt để xoa nhẹ nhàng nướu của bé. Hành động này sẽ tạo ra áp lực lên nướu giúp bé dễ chịu hơn.
Lưu ý: Không nên sử dụng các loại gel mọc răng, đặc biệt gel có thành phần belladonna vì có thể gây ra các tác dụng phụ cho trẻ. Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo, viên nén mọc răng vi lượng đồng căn có chứa belladonna có thể gây ra rủi ro cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ [2].
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cho bé nhai, gặm củ quả, khăn ướt hay vòng nhai được làm mát cũng sẽ giúp làm dịu cơn đau từ nướu. Mẹ nên mua vòng nhai hoặc đồ chơi cho bé ở nơi uy tính để đảm bảo an toàn nhé.
Cho trẻ nhai vòng nhai khi mọc răng
Cách chăm sóc trẻ
Khi bé bị sốt mọc răng, con thường quấy khóc, bỏ bú, cơ thể rất nhạy cảm. Lúc này, mẹ đừng quá lo lắng mà chăm sóc trẻ theo một số hướng dẫn sau:
Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho bé. Nếu trẻ bị chảy nước dãi, mẹ nên đeo yếm hay lau miệng cho bé bằng khăn sạch để tránh tình trạng phát ban. Mẹ luôn phải rửa tay sạch trước khi chà nướu cho bé nhé.
Thường xuyên quan tâm, âu yếm và nói chuyện với trẻ để con quên đi cảm giác đau, khó chịu.
Theo dõi các triệu chứng phòng khi xảy ra các biểu hiện bất thường, nhất là nhiệt độ cơ thể bé.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ nếu trẻ bị sốt liên tục không giảm.
*** Hãy nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ nhé.
Phân biệt triệu chứng của sốt mọc răng và sốt thông thường
Để có cách xử trí và chăm sóc con đúng cách, bố mẹ cần phân biệt được các triệu chứng của sốt mọc răng và sốt thông thường, cụ thể:
Sốt khi mọc răng sẽ nhẹ hơn, nhiệt độ của bé tăng hơn một ít so với thân nhiệt bình thường là 36,7 độ C. Ví dụ nhiệt độ 37,5 độ C thì có thể là do trẻ mọc răng. Nhưng nếu nhiệt độ từ 38 độ C trở lên có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hoặc nhiễm bệnh khác. Lúc này, bố mẹ nên liên hệ bác sĩ hoặc đưa bé đến cơ sở y tế.
Khi bị sốt do mọc răng, bố mẹ có thể thấy các biểu hiện như: trẻ nhai tay hoặc đồ chơi, chảy nhiều nước dãi, quấy khóc khi bú, nướu bị đỏ và có răng nhủ lên.
Nếu không có dấu hiệu mọc răng kể trên mà con vẫn sốt thì bố mẹ cần đưa bé đi khám để được chẩn đoán chính xác.
Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến việc mọc răng và sốt mọc răng ở trẻ. Hy vọng bố mẹ sẽ có thêm kiến thức để chăm sóc bé đúng cách, khỏe mạnh.
***Nội dung trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn chính xác, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện nhé!
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi hệ miễn dịch còn non yếu nên có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, mẹ cần chú trọng chăm sóc trẻ để tăng cường...
Phát triển trí não cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời là ưu tiên hàng đầu của rất nhiều cha mẹ. Làm thế nào để giúp con thông minh hơn ngay từ giai đoạn sơ sinh? Nếu bạn đang...