Lần đầu cho con bú – Hướng dẫn mẹ cho bé bú đúng cách 

Đăng ngày: 16/02/2022
Chia sẻ:

Lần đầu cho con bú luôn khiến mọi bà mẹ cảm thấy bối rối. Để biết cho bé bú đúng cách như thế nào, lắng nghe những thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây mẹ nhé! 

Vì sao cần cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu? 

Chắc hẳn mọi bà mẹ đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguồn sữa quý giá này mang đến tất cả năng lượng và các chất cần thiết cho trẻ trong những tháng đầu đời. Trong nửa năm đầu tiên, sữa mẹ cung cấp một nửa hoặc nhiều hơn nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Đến suốt năm thứ 2, sữa mẹ tiếp tục cung cấp tới một phần ba nhu cầu của bé [1]. 

Trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời không chỉ có thể thông minh hơn mà còn ít có nguy cơ bị thừa cân, béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường [2].

Cho trẻ bú mẹ trong những tháng đầu

Cho trẻ bú mẹ trong những tháng đầu

Đó cũng chính là lý vì sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên các bà mẹ cần cho trẻ bú ít nhất trong 6 tháng đầu. Sau 6 tháng, bé cần được ăn dặm nhưng vẫn nên tiếp tục bú mẹ. Tốt hơn hết, hãy cho bé bú mẹ đến 2 tuổi vì sữa mẹ tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. 

Tuy nhiên, từ 12 tháng tuổi trẻ nên được ăn đầy đủ thức ăn đặc chứ không nên chỉ bú sữa mẹ. Bởi lúc này, sữa mẹ đã không còn cung cấp đủ tất cả các chất dinh dưỡng hoặc kháng thể mà cơ thể bé cần.

Hướng dẫn tư thế cho con bú đúng cách 

Không phải người mẹ nào cũng biết cho bé bú đúng cách, nhất là lần đầu làm mẹ. Lóng ngóng, loay hoay trong những ngày đầu cho con “ti mẹ” là điều bình thường, vậy nên bạn cũng đừng quá lo lắng! 

Dưới đây là một số hướng dẫn tư thế cho bé bú đúng cách để con có thể nhận được đủ sữa mẹ [3]: 

  • Áp dụng phương pháp cho bé tự bú mẹ (Baby-led attachment): Hãy đặt bé trên ngực mẹ, mặt quay vào vú và để em bé tự tìm vú mẹ để bú.
  • Cho bé bú theo hướng dẫn của mẹ (Mother-led attachment): Đảm bảo mẹ ngồi trên ghế có tựa lưng cố định và không để đầu bé cao hơn núm vú. Lấy tay ôm vòng qua người trẻ và đặt em bé nằm ngang trên người mẹ.
  • Bế dưới cánh tay/tư thế ôm bóng: Em bé nằm bên cánh tay sao cho miệng bé ngang tầm với đầu ti mẹ. Mẹ dùng tay thuận nhất để đỡ đầu gáy bé, tay còn lại giữ ngực và cứ như vậy tiến hành cho bé bú. Đây cũng là vị trí tốt để cho các cặp song sinh bú cùng một lúc hoặc khi mẹ sinh mổ.
  • Áp dụng tư thế nằm: Tư thế này thích hợp khi cho bé bú buổi đêm hoặc lúc mẹ mệt. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, không nên ngủ khi cho bé bú ở tư thế này, bởi vì bạn có thể làm bé ngạt thở do phần bầu ngực mẹ chèn vào mũi bé. Sau khi cho con bú, hãy đặt bé nằm ra giường thoải mái để bé ngủ.

Mẹo tránh trẻ bị sặc sữa khi bú mẹ 

Ôm bé thẳng đứng sau khi cho trẻ bú để tránh ọc sữa

Ôm bé thẳng đứng sau khi cho trẻ bú để tránh ọc sữa

Mặc dù mẹ đã biết cho bé bú đúng cách, nhưng trẻ luôn có nguy cơ bị sặc khi bú. Một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp mẹ thoát khỏi nỗi phiền toái này: 

  • Hãy cho trẻ ợ hơi sau khi bú mỗi bên vú bằng cách bế vác bé lên, khum tay lại vỗ lưng bé nhẹ nhàng theo hướng từ dưới lên.
  • Giữ trẻ thẳng đứng trong 30 phút sau khi bú, tuyệt đối không để bé nằm luôn vì bé sẽ có nguy cơ bị sặc.
  • Nên cho trẻ bú nhiều lần với lượng ít sẽ tốt hơn là bú no trong 1 lần vì lúc này dạ dày bé còn nhỏ chưa thể chứa lượng lớn sữa.
  • Không lắc lư hoặc đung đưa bé trong khi bú hoặc ngay sau đó. Điều này sẽ làm cho bé dễ bị ọc sữa.
  • Giữ đầu của trẻ cao hơn chân trong khi bú để dòng sữa nhẹ nhàng đi vào cơ thể bé.

Trường hợp mẹ có nhiều sữa

Nếu sữa mẹ nhiều, bị chảy sữa dễ làm bé bị ọc sữa trong khi bú, mẹ có thể thử [4]:

  • Thử cho trẻ bú ở tư thế thẳng đứng bằng cách giữ cho đầu cao hơn chân. Nếu bé bú nằm, cần phải nâng cao phần đầu của trẻ bằng cách dùng một chiếc khăn lau tay nhỏ đặt dưới đệm bé nằm, đảm bảo tạo độ nghiêng đủ nhẹ cho đầu của bé. 
  • Hãy ôm trẻ ở tư thế nằm nghiêng để giúp làm chậm dòng sữa. Đảm bảo rằng vú của mẹ không quá căng sữa. Cho con bú cách nhau 2-3 giờ một lần có thể giúp giảm căng sữa. Hoặc mẹ có thể vắt một ít sữa trong vài phút trước khi cho bú để tránh dòng sữa chảy quá nhiều dễ khiến trẻ bị sặc. 

Làm sao để biết con đã bú đủ sữa? 

Cho bé bú đúng cách sẽ giúp con nhận đủ nguồn sữa mẹ và bé không bị sặc sữa. Tuy vậy, làm thế nào để biết bé con nhà bạn đã ăn đủ no hay chưa? 

Trẻ bú đủ sữa

Mẹ có thể nhận biết trẻ đã bú đủ khi [5]: 

  • Bé có ít nhất 5 tã ướt trong vòng 24 giờ. Nước tiểu không mùi, có màu trong hoặc màu rất nhạt. Nước tiểu đậm màu cho thấy em bé cần nhiều sữa mẹ hơn. Để chắc chắn mẹ hãy tham khảo lời khuyên của chuyên gia y tế.
  • Em bé thường sẽ đi phân mềm từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Khi bé lớn hơn có khả năng đi ngoài ít hơn mức này. Phân rắn, cứng hoặc bé khó đi tiêu cũng là biểu hiện cho thấy em bé cần nhiều sữa mẹ hơn.
  • Trẻ bú sữa mẹ đủ sẽ tăng cân, phát triển chiều dài và chu vi vòng đầu bình thường.
  • Màu da và độ đàn hồi của cơ thể trẻ tốt. Mẹ có thể nhẹ nhàng ấn vào da bé để kiểm tra xem da có đàn hồi trở lại không.
  • Bé vui vẻ chơi đùa và không đòi bú liên tục.

Trẻ bú quá nhiều

Đối với trẻ sơ sinh, mẹ sẽ không thể ép bé bú một khi trẻ đã no. Vì vậy mẹ không cần phải quá lo về vấn đề cho trẻ bú quá mức. Một khi con nó, bé sẽ có phản xạ dứt vú mẹ ra. 

Nếu trẻ bú bình có thể bú sữa quá nhanh vì dễ bú hơn vú (với vú mẹ đòi hỏi trẻ phải dùng lực nhiều hơn để bú). Hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng núm vú đúng cho độ tuổi của trẻ. Bên cạnh đó, cần nghỉ giải lao giữa các cữ bú để trẻ nghỉ ngơi và ợ hơi trong khi bú bình. Quá nhiều sữa cùng một lúc trong bình có thể khiến trẻ bú quá nhiều, có thể khiến trẻ bị nôn trớ hoặc ọc sữa sau đó. 

Trường hợp phải vắt sữa

Dự trữ sữa mẹ cho bé

Dự trữ sữa mẹ cho bé

Đôi khi mẹ nên vắt sữa và cho trẻ bú bằng bình nếu trẻ không thể bú được từ vú mẹ. Chẳng hạn như nếu trẻ không thể ngậm vú do một số vấn đề sức khỏe nào đó hoặc đầu ti mẹ quá to, mẹ sinh mổ không thể cho bé bú trực tiếp [6].

Nếu mẹ muốn duy trì việc cho con bú mẹ ngay khi phải trở lại làm việc thì mẹ cũng nên vắt sữa và dự trữ đúng cách. Sau đó nhờ ông bà hoặc người chăm sóc bé thay mẹ cho bé bú. 

Hướng dẫn vắt sữa cho bé:

  • Sau khi vệ sinh tay thật sạch sẽ, mẹ tiến hành vắt sữa. Có thể sử dụng máy vắt sữa chuyên dụng để hỗ trợ. 
  • Mẹ ngồi ngay ngắn ở tư thế thoải mái và giữ cho dụng cụ vắt sữa ở gần vú sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ để xoa bóp, ấn đều vào thành ngực. Quá trình vắt sữa đúng là sữa chảy ra đều và mẹ không bị đau vú. 

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ:

Sữa mẹ sau khi vắt xong có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng 6 – 8 giờ ở nhiệt độ 26ºC hoặc thấp hơn. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh thì bảo quản sữa không quá 72 giờ. Với ngăn đông tủ lạnh, mẹ có thể trữ sữa cho bé 1 tuần ở nhiệt độ -15 ° C, 3 tháng trong ngăn đá của tủ lạnh có cửa riêng –18 ° C và 6 – 12 tháng trong ngăn đông lạnh sâu –20 ° C. 

Sữa sau khi được trữ trong tủ lạnh cần làm ấm trước khi cho bé bú. Nếu trẻ không bú hết thì cần phải đổ đi, không nên bú tiếp lần sau bởi vì có thể khiến trẻ đau bụng. 

Cho bé bú đúng cách không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng để con phát triển toàn diện mà còn hạn chế gây ra các vấn đề khi bú cho trẻ. Vì vậy hãy tham khảo và áp dụng các thông tin trên trong quá trình cho con bú mẹ nhé! 

Nguồn tham khảo

 [1], [2]: https://www.who.int/health-topics/breastfeeding#tab=tab_1 

[3] https://raisingchildren.net.au/newborns/breastfeeding-bottle-feeding/how-to-breastfeed/breastfeeding-positions-pictures

[4] https://kidshealth.org/en/parents/breastfeed-spitting-up.html 

[5] https://www.childrens.health.qld.gov.au/fact-sheet-baby-getting-enough-breast-milk/

[6] https://www.breastfeeding.asn.au/bf-info/breastfeeding-and-work/expressing-and-storing-breastmilk

Đọc tiếp ...

Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng là đủ, bố mẹ cần nên nắm rõ

Có bao giờ mẹ thắc mắc trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng trong một ngày là đủ? Giấc ngủ như một nguồn năng lượng giúp phục hồi và phát triển cả về thể chất cùng tinh thần cho trẻ...

Chi tiết
Cách tăng cân cho bé hiệu quả và những lời khuyên cho mẹ

Tăng cân cho bé là chủ đề mà hầu hết các bậc cha mẹ đều quan tâm. Khi nào bố mẹ cần lo lắng về cân nặng của bé? Trong quá trình chăm sóc để giúp bé tăng cân cần...

Chi tiết

CÁC MẸ KHÁC ĐANG ĐỌC

Tham gia câu lạc bộ
Little Étoile

tham gia ngay